Thế giới

Sự suy đồi bệnh hoạn của nền báo chí Hoa Kỳ

Sự suy đồi bệnh hoạn của nền báo chí Hoa Kỳ

Người ta thường kháo nhau một câu chuyện rằng vào trước thời gian nước Mỹ chịu “cú đấm” của cuộc Đại Suy Thoái (1930), lí do phổ biến nhất để sa thải một phóng viên là “Rởm” (Phony). Đến mức “Rởm” đã trở thành một khẩu hiệu, một thứ trực giác của bất cứ phóng viên nào thời đó. (Tổng thống Donald Trump thì thường dùng cụm từ “Fake News”, tuy nhiên, định nghĩa tin “rởm” trong bài viết này rộng hơn và bao hàm cả “Fake News”)

Với thế hệ phóng viên đó thà đi chết hoặc lên đường viễn chinh ngay lập tức còn hơn việc tự gọi mình là “nhà báo” (Journalists). Bởi vì bản thân thuật ngữ này đã “rởm”. Ngày đó, những người trong nghề thường hạ nhục nhau bằng cách gọi người kia là “nhà báo”. Những người đưa tin thời đó được gọi là Reporter (tiếng Việt có thường dịch là: phóng viên, trong bài chúng tôi cũng sử dụng từ này) chứ không phải là “Nhà Báo” (Journalists) một cách đầy mỉa mai.

Bài học đầu tiên mà các phóng viên thời đó khi mới chập chững bước vào nghề phải thấm thía là: Phải “tẩy uế” tâm trí đang “bận rộn” với bản thân, tiết chế cảm xúc, trung thực với chính mình. Mọi thứ phải dựa trên các sự kiện đã xảy ra và được thu thập một cách tận tâm. Lý tưởng là sự công bằng: Hãy để độc giả quyết định.

Vào thời đó, việc đưa thêm tính từ, trạng từ, thái độ vào trong sự kiện là điều cấm kỵ với bất cứ phóng viên nào. Con mắt của người biên tập cực kỳ cảnh giác và gay gắt: Ai thèm quan tâm đến việc anh (phóng viên) nghĩ gì?

Nếu một người nhạy cảm hoặc hướng thiện làm việc trong một tờ báo thời đó và tuyên bố rằng có điều gì đó hoặc ai đó làm anh ta cảm thấy “không thoải mái”, “không an toàn” hoặc đang cấu thành “sự vi phạm”, câu trả lời mà anh ta sẽ nhận được sẽ là một cái nhìn hoài nghi: “Vậy thì sao?”. Nếu những thứ như thế tiếp diễn thì câu trả lời sẽ thành: “Bạn bị sa thải!”

Đối với các chuyên gia về báo chí thời đó, những điều bắt buộc mà một phóng viên theo mô hình cũ phải có là: Không thiên vị-xúc động, không đảng phái và phải có kiến thức bách khoa về chủ đề của mình. Không được có dấu hiệu của việc vô hiệu hóa chủ nghĩa cá nhân,  những tham vọng tàn nhẫn hay lòng nhiệt thành đảng phái _ những điều đang ảnh hưởng đến các ngôi sao truyền thông Mỹ ngày nay.

Sẽ là ngớ ngẩn nếu lý tưởng hóa nền báo chí Mỹ thời đó, vốn có những vấn đề cố hữu của nó, như việc tôn trọng quá mức đối với sự quyền thế hay những sai sót lớn trong phạm vi về sự soi mói ; dẫu sao, thế giới thời đó rất khác. Tuy nhiên, nền báo chí cổ điển đó thấm đẫm đức tính này: Tác phẩm khuất phục cái tôi của người làm báo, và tôn trọng tư duy độc lập của độc giả.

 

Nhìn về hiện tại, tư duy độc lập, phi đảng phái dường như đã lỗi thời ở Mỹ từ nhiều năm trở lại đây trong chính trị, truyền thông, học thuật và thậm chỉ là cả đời sống doanh nghiệp. Việc nhấn mạnh vào tính toàn vẹn và sự cần thiết của ý kiến cá nhân đã biến mất khi đối mặt với bản sắc chính trị, sự đa dạng tôn giáo hay sự tham nhũng tràn lan của các trường đại học Mỹ, ảnh hưởng của nó còn tăng cường mạnh mẽ hơn trong năm 2020 này bởi nỗi ám ảnh ‘phân biệt chủng tộc’. Nước Mỹ sẽ không phải là một quốc gia trung thực nếu những ảnh hưởng đó không  bị đánh bại hoặc tự thiêu rụi. Điều đó có thể mất nhiều năm, thậm chí là 1-2 thế hệ.

Vào năm 2020 này, nước Mỹ đang hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch tin “rởm”: Xào xáo sự thật với thái độ - nghiêng câu chuyện về đường lối đảng phái, đạo đức hóa nó, cảm tính hóa nó, tuyên truyền nó - bằng cách đưa tin om sòm, quẫn trí và phóng đại, đây là điều đang được các đơn vị truyền thông của Mỹ gia tăng thực hiện.

Sẽ chẳng có con chim sẻ nào bị bắn rơi cả nếu tờ New York Times không đưa tin rằng con chim sẻ đó đã bị bắn bởi một người “Da Trắng Thượng Đẳng”.  Tin tức đã được đóng gói và “trang hoàng” đến mức khi nó được phô bày ra trước con mắt của độc giả thì ngay cả những sự thật đơn giản cũng thật khó để nhận thức.

Ở đây không có một bản tin trung thực mà là một sự ngụy biện, sặc mùi đảng phái. Bản tin được tạo ra không phải để thông báo, khuyến khích sự phản ánh mà là để khích gợi cảm xúc. Không “kìm hãm” người đọc, người nghe bằng tư duy mà thay vào đó là chuyển nhanh sang địa hạt của cảm xúc, vốn là thứ thuốc gây nghiện, tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho các tập đoàn truyền thông.

Các tập đoàn truyền thông Mỹ đã trở thành những nhà kho sập xệ chứa hàng hóa là những thông tin, những chính trị gia tàn nhẫn khát quyền và những gì được mệnh danh là “Linh hồn của nước Mỹ”.

Sự suy trầm siêu hình của báo chí Mỹ diễn ra song song với sự suy đồi của nền chính trị Hoa Kỳ. Trong cả 2 lĩnh vực này, chúng ta đã chứng kiến cái chết đầy dai dẳng của niềm tin quần chúng Mỹ.

Nguồn năng lượng chảy vào khoảng trống do sự mất mát của niềm tin này là sự tự cho là mình đúng, bạo lực tâm trí và sự ngu xuẩn không thể giải đáp.

Sự tuyệt vọng và cuồng loạn của công dân đã trở thành “style” của nước Mỹ trong năm 2020 đầy biến động này./

**Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.