Nhịp sống số

Điều gì xảy ra khi bạn nhấn nút “unfriend”?

Điều gì xảy ra khi bạn nhấn nút “unfriend”?

Khi trái đất không nổ tung, nhưng có thể trái tim của một ai đó sẽ tan vỡ. Hành động nhỏ nhoi này thực sự có ý nghĩa đến nỗi năm 2009, từ điển New Oxford American đã bình chọn “unfriend” là “Từ của năm”.


Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Bạn sẽ phản ứng ra sao khi ai đó “unfriend” (hủy kết bạn) với bạn trên Facebook? Vô cảm? Đau khổ? Buồn bã? Hay thất vọng? Jennifer Christine Harris, một người phụ nữ sống tại Des Moines (bang Iowa nước Mỹ) đã phản ứng bằng cách lén đến nhà người bạn cũ của cô – nơi Nikki Rasmussen và chồng cô là Jim đang say ngủ – trong đêm tối để phóng hỏa thiêu trụi ngôi nhà. Rõ ràng Jennifer có mong muốn người bạn cũ sẽ bị chết cháy trong đó. Lý do là gì? Theo điều tra của cảnh sát, hóa ra chỉ vì Nikki đã “unfriend” với Jennifer trên Facebook. Sau đó vài tháng, một người đàn ông say rượu ở Texas đã đánh vợ mình thừa sống thiếu chết chỉ vì cô ta không ấn “like” một bài viết trên Facebook của anh ta về cái chết của mẹ mình.

Trong xã hội hiện đại, đôi khi kết nối (một cách sâu sắc) của chúng ta đối với những người khác bị hạn chế. Chúng ta là một động vật có tính chất xã hội mạnh mẽ, sống và làm việc trong một đơn vị chặt chẽ với tối thiểu là 25 người. Tương tác xã hội giữa người với người là tối quan trọng, bởi thế, thiếu hoặc bị tước bỏ tương tác xã hội cũng là một hình thức trừng phạt (như đối với phạm nhân bị biệt giam). Trên thực tế, trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2006 của Đại học Duke chỉ ra rằng: khoảng 25% người Mỹ không có sự hỗ trợ xã hội đáng kể nào. Đây là điều kiện hết sức tiêu cực, bị tách ra khỏi cộng đồng cũng tương tự như cái chết, gây ra sự nguy hiểm liên quan đến quá trình tồn tại và phát triển của người đó. Minh chứng đáng buồn nhất của hiện tượng bị cô lập khỏi đời sống chính là việc thỉnh thoảng người ta lại phát hiện những xác chết lâu ngày của người cao tuổi tại các thành phố lớn.

Tuy rằng theo nhiều học giả, những mối quan hệ trực tuyến chỉ là bằng chứng cho thấy sự nghèo nàn các mối quan hệ trong đời sống thực, thì trong xã hội mà sự cô lập ngày càng tăng lên như hiện nay, nhiều khi mối quan hệ trực tuyến cũng đem lại cho chúng ta những cảm xúc y như trong cuộc sống thực. Ví dụ như tệ “bắt nạt trực tuyến” đã gây được sự chú ý cho MTV, MIT và cả tổng thống Hoa Kỳ, bởi những cuộc tấn công trên mạng có thể khiến những thiếu niên – người đang ở trong giai đoạn nhạy cảm nhất của sự hình thành bản chất xã hội – có phản ứng cực đoan, thậm chí là tự tử. Bạn có hiểu lý do tại sao bộ phim về Facebook lại được đặt tên là “The social network” (Mạng xã hội)? Bởi vì đối với nhiều cá nhân, trang web này thực sự là hình ảnh đại diện cho cuộc sống xã hội của họ.

Nhà nhân loại học Robin Dunbar đã đề xuất một con số xác định 150 là “giới hạn số người mà một cá nhân có thể thiết lập và duy trì mối quan hệ ổn định”. Trong cuộc sống vật chất, đôi khi chúng ta bắt buộc phải loại trừ bớt một số mối quan hệ không cần thiết hoặc lỏng lẻo để tập trung cho các ưu tiên khác. Những lý do chủ yếu để dẫn đến hành động “unfriend” một ai đó trên mạng xã hội nhiều khi có nguyên nhân lâu dài, nhiều khi lại rất cảm tính (ví dụ, khi một ai đó đăng lên tường (wall) của họ một thông điệp ủng hộ người mà chúng ta không hề yêu thích)… nhưng lý do thường xuyên nhất là chúng ta phải “cắt tỉa” bớt những mối quan hệ mờ nhạt để dành trang cá nhân của mình cho một nhóm đối tượng thực sự quan tâm.

Tuy nhiên, hành động “unfriend” ai đó lại có vẻ mang tầm quan trọng hơn thế, đến mức mà chúng thường được thực hiện một cách kín đáo và tuyệt nhiên không hề có một thông báo nào được gửi đến cho “nạn nhân”. Nhưng một khi ai đó phát hiện mình bị “unfriend”, có lẽ đa số đều mang tâm trạng không lấy gì làm vui vẻ, mặc dù họ và người bạn kia hầu như rất ít liên lạc với nhau.

Đa số chúng ta hài lòng với một danh sách bạn bè vào khoảng 37-661 người. Một số người khác có danh sách lên đến hàng nghìn bạn lại cần có chế độ quản lý riêng của họ. Phần lớn họ không thể nào nhớ nổi cũng như trò chuyện hết với số “bạn bè” của mình, nhưng họ có xu hướng coi số lượng bạn bè như một “danh hiệu” thể hiện mức độ “nổi tiếng” và “quen biết rộng” của họ.

Trong tiến hóa, chúng ta đã xây dựng một loạt các tín hiệu cảm xúc nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia tương tác xã hội: ví dụ kiêu ngạo, ghen tị, vị tha, xấu hổ… Và với mỗi cá nhân. những tín hiệu tích cực (cho thấy họ được tôn trọng và có giá trị với các thành viên trong nhóm) chứng tỏ địa vị xã hội của họ cũng quan trọng như thực phẩm, không khí hay nước uống. Còn những tín hiệu tiêu cực (chứng tỏ chúng ta vô giá trị với nhóm) như “kẻ thất bại”, “đống chất thải”, “lãng phí không gian”… sẽ gây ra những cảm xúc khó chịu mạnh mẽ.

Quay trở lại với trường hợp Jennifer Christine Harris phóng hỏa đốt nhà của bạn mình. Chắc chắn không phải chỉ vì Nikki đã “unfriend” cô, mà đó chỉ là cái kết của một câu chuyện dài. Những trận cãi vã nảy lửa và cuối cùng là hành động “unfriend”, khiến cho Jennifer cảm thấy như bị ruồng bỏ, bị biến thành người không quan trọng với bất kì ai. Những hành động kích thích tưởng như ngớ ngẩn ấy lại có thể dẫn con người tới hành động cực đoan (như cố gắng giết người), nó cho thấy tầm quan trọng của những tín hiệu xã hội mà chúng ta tiếp thu được.

Ham muốn được kết nối với xã hội của chúng ta rất bản năng, có nguồn gốc từ thời nguyên thủy. Bởi vậy, chúng ta cảm thấy không thể sống mà thiếu điện thoại di động hay mạng xã hội, vì nó đem lại cho chúng ta sự liên kết với những người khác. Tuy nhiên, bộ não phần lớn vẫn giống thời đồ đá của chúng ta lại khó có thể phân biệt sự khác nhau giữa việc mất đi một người bạn trên thảo nguyên với một người bạn trên Facebook. Bởi thế, mặc dù mang tiếng là “mạng ảo” nhưng hậu quả của nó có thể vẫn rất “đời thực”.

 

 Năm 2010, trên chương trình “Jimmy Kimmel live” - một talk show trên đài ABC (Mỹ), người dẫn chương trình Kimmel đã kêu gọi lấy <>ngày 17 tháng 11 hàng năm là ngày “Unfriend” mang quy mô quốc gia, nhằm nhắc nhở mọi người hãy rời xa một chút những mối quan hệ trên mạng xã hội để tập trung vào các mối quan hệ trong đời sống thực của họ.